Nhân vật

Hương Cảng là thần thoại và truyền thuyết của tui

Diêm Liên Khoa là một trong những nhà văn hàng đầu của Trung Quốc. Những tác phẩm của ông những năm trở lại đây ngày càng mang tính phê phán xã hội hơn, mà do đó ngày càng khó xuất bản hơn. Sách của ông hoặc bị thu hồi hoặc không được phép tái bản. Trong bài viết dưới đây, Diêm Liên Khoa miêu tả mối quan hệ của mình với Hương Cảng là nơi mà vừa xa lạ một cách quen thuộc vừa quen thuộc một cách xa lạ. Hương Cảng đối với nhà văn vẫn luôn là thần thoại bởi nó là xứ sở cổ tích xa xôi không bao giờ thành hiện thực.  

Ấn tượng của tui hồi còn nhỏ về Hương Cảng cũng giống như ấn tượng thời niên thiếu về Hy Lạp cổ đại. Những thần thoại của Hương Cảng, với tui khi đó, chẳng khác gì cơn gió thổi ngang qua cánh đồng nhà mình, lúc nào cũng có thể nghe thấy nó thổi bên tai hay gầm gừ trên đỉnh đầu. Ấn tượng đó kéo dài cho tới tận năm 1994 là năm tui bị phê bình dữ dội do viết tập truyện ngắn Hạ nhật lạc[1]. Hậu quả là tui hàng ngày phải viết bản tự kiểm điểm; lo viết tới nỗi tới giờ ăn tui chẳng thể nào lần tới bàn hay cầm đũa lên. Thời điểm đó, có vẻ như Hương Cảng không mấy xa xôi cách trở cho lắm. Lí do Hạ nhật lạc bị phê bình là do tạp chí Tranh Minh có số viết về Hạ nhật lạc đã dành vài lời khen cho tui. Số đó miêu tả tui là “nhân vật đi đầu của phong trào văn học quân đội lần 4 của đại lục” và là tác giả “miêu tả được sự suy thoái trong linh hồn của quân nhân”. Vì lẽ đó, tập truyện bị cấm, còn tui thì bị phê bình gắt gao và phải viết kiểm điểm ngày này sang ngày khác. Sự kiện như điềm báo gở đó minh chứng cho câu nói của Mao Trạch Đông: “Cái gì kẻ thù ủng hộ thì ta chống. Cái gì kẻ thù chống thì ta ủng hộ.” Sau tai nạn đó, nhân sinh của tui gắn chặt với Hương Cảng.

Năm 1997 là năm có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì đem lại niềm vui mừng khôn xiết cho người dân đại lục. Do đã nghe vô vàn bài ca ca ngợi sự kiện trao trả nên tui luôn đoan chắc rằng sau ngày 1 tháng 7, chúng tui sẽ bước sang giai đoạn lãnh số tiền nhiều hơn số có thể tiêu, giống như mở con đập để dòng nước cuồn cuộn tràn vào tưới mát đại lục. Và với việc con kênh đã thông rồi thì sao chiếc thuyền nhà tui lại không dâng theo cơn thủy triều đang lên được kia chứ?

Do đó tui đã nhiệt thành theo lời kêu gọi và dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm đầu tư vào thị trường bò tót[2] lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau ngày 1 tháng 7, gia đình tui khi mà vừa mới khá lên gần đây đã mất tất cả và lần nữa nghèo trở lại.

Năm 2004, nhờ cuốn tiểu thuyết Thụ hoạt[3], tui được đài truyền hình Phượng Hoàng của Hương Cảng phỏng vấn. Sau khi buổi phỏng vấn lên sóng ngày hôm sau, thì mới ngồi vào bài làm việc ở văn phòng chừng mươi phút, tui nhận được thông báo nghiêm nghị mà hòa nhã “mời” tui rời khỏi quân đội. Mặc dầu lúc bấy giờ người Hương Cảng xem đài Phượng Hoàng thuộc “ngoài đây”, nhưng người Trung Quốc chúng tui vẫn coi nó thuộc “trong này”.

Năm 2005, cuốn Người tình phu nhân sư trưởng[4] trở thành thảm họa của tui và giới văn chương. Tờ Á châu chu san của Hương Cảng là tờ đầu tiên tường thuật sự kiện này và một nhà xuất bản cũng của Hương Cảng đã nhanh chân đưa cuốn tiểu thuyết tới các hiệu sách và ra thế giới. Mãi về sau tui mới chính mắt mình nhìn thấy cuốn sách. Lúc đó, khi nhìn thấy bìa sách, tui đã kinh hoảng tới độ tưởng chừng như có ai bóp cổ mình. Nhưng cùng lúc một ý nghĩ nảy ra trong tâm trí: “Có lẽ Hương Cảng thiệt sự là nơi mọi tác giả có thể tự do tranh cãi và mọi triết gia có thể tự do tranh luận. Như người dân Hy Lạp cổ đại có thể tự do làm như thế trên đường phố, trong chợ và quảng trường.”

Năm 2007, tui có dịp dự hội nghị của Đại học Thành thị Hương Cảng. Chuyện đầu tiên tui làm khi tới thành phố là chạy ngay ra coi dãy những cửa hiệu sách đẹp mắt ở quận trung tâm Hương Cảng. Tui đọc lướt những tờ báo miễn phí và hằng sa số những tờ tạp chí định kì, sách và tập tranh được bày trên các giá bên lối vào hiệu sách như một kẻ đói khát lâu ngày đột nhiên thấy mình bên trong siêu thị đầy ắp đồ ăn thức uống. Tuy rằng bản thân không thể tin cũng chẳng thể giải thích nổi, nhưng tui cảm thấy mình đã thiệt sự trải nghiệm được đường phố và chợ Hy Lạp cổ phải trông như thế nào, nơi mà ai hễ muốn cũng có thể tranh cãi và tranh luận. Nói thiệt lòng, do đến từ vùng cao nguyên Hoàng Thổ phía bắc Trung Quốc, tui không mấy ấn tượng với những chiếc đũa trông như cao ốc của Hương Cảng. Trên thực tế, những trang phục lấp lánh, hàng hóa xa hoa đằng sau những tấm kiếng hay những bar ở cảng Victoria và Lan Quế phường không làm tui ngạc nhiên cho bằng những con phố chất đầy sách báo, những thứ mà về mặt lí thuyết người ta có thể viết, xuất bản và đọc theo ý muốn. Thời điểm đó, sau khi đọc số Tranh Minh mới trên giá tạp chí trước cửa một hiệu sách, tui thấy trong lòng dâng trào tiếc nuối và không biết nói gì. Cứ như thể một người đang sống đời trong tù hay đang trong vùng chiến sự bỗng thấy mình đứng giữa lòng thành phố hối hả. Mặc dầu người cựu tù nhân biết kẻ đã đẩy y vào ngục đang ở đâu đó trong những con phố tấp nập này, thế nhưng những con người hay những con phố ở nơi đây có bất kì liên hệ trực tiếp nào tới việc y bị cầm tù không? Tương tự như vậy, mặc dầu vùng chiến sự đầy những xe tăng, đống đổ nát và xác người, nhưng thành phố này thì vẫn sáng đèn, vui tươi và người dân thì vẫn tận hưởng tự do và sung túc.

Đứng trong góc hiệu sách, tui tiếp tục lần giở tờ Tranh Minh một lúc lâu rồi đặt tờ báo xuống, bước ra ngoài.

Tui bước đi qua những con phố thuộc quận trung tâm của Hương Cảng.

Tui bước đi qua những cao ốc và đám đông của Hương Cảng.

Tui không cảm thấy chút gì oán hận, ganh ghét hay đố kị. Giống như là tui biết được Athens đẹp thể nào, nhưng cùng lúc cũng nhận ra Athens này chẳng có liên quan gì tới cái mà ta liên hệ tới Hy Lạp cổ. Vài năm sau, tui tới Đại học Thâm hội Hương Cảng với tư cách là nhà văn lưu trú và tới Đại học Trung văn Hương Cảng để dự một buổi nói chuyện dưới vỏ bọc là đi giảng dạy. Rút cục tui đi dạy tại Đại học Khoa học Kĩ thuật Hương Cảng. Tui cảm giác thời gian trôi qua như cơn gió thổi tui bay vào cánh đồng quê nhà, vào quá khứ, vào những thần thoại và truyền thuyết. Ở Cửu Long và đảo Hương Cảng, những nơi tưởng chừng rất xa nhưng thực chất là khá gần, và ngay tại vịnh Thanh Thủy này đây, nơi mãi bên cạnh tui, con người, gió, biển, sự học, trật tự, lịch sử đầy ý nghĩa mà phù du – tất cả với tui vừa xa lạ một cách quen thuộc mà vừa quen thuộc một cách xa lạ. Đồng thời, hết thảy những điều đó cũng trở thành thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp cổ của sinh mệnh tui.

Đi dạy, đi dạo, suy tư và viết – mỗi ngày tui đi dọc bờ biển và nhìn ngắm xung quanh. Khi vừa đi vừa ngắm, tui đôi khi lại chợt thấy trong lòng lo âu và bất an. Tui lia mắt ra ngoài khơi, tự hỏi phải chăng khi nước biển dâng lên do biến đổi thời tiết thì nó sẽ nhấn chìm hòn đảo này xuống. Với việc Hương Cảng nay đã gắn liền với sinh mệnh của tui, nếu một mai nó biến mất thì những thần thoại và truyền thuyết của tui sẽ trôi về đâu đây? Chúng có thể bừng sáng và tồn tại nơi nao?

Nguồn: Yan Lianke. (2019, September 03). Hong Kong is my Myth and my Legend [Dịch từ bản tiếng Anh của Carlos Rojas]. PEN/Opp. Retrieved from https://www.penopp.org/articles/hong-kong-my-myth-and-my-legend [Bản dịch này hoàn toàn vì mục đích chia sẻ tri thức, phi lợi nhuận và chưa có sự đồng ý của tác giả.]

[1] Tựa tiếng Trung là《夏日落》, và được dịch sang tiếng Anh với tựa là “Summer Sunset”. (Trong bài này, người dịch giữ nguyên tựa tiếng Việt những tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã được xuất bản ở Việt Nam; với những tác phẩm chưa được dịch sẽ phiên sang tiếng Hán Việt và kèm theo tên tiếng Trung và tiếng Anh để người đọc tiện tìm kiếm.)

[2] Thị trường bò tót (bull market) là thuật ngữ tài chính nhằm chỉ giai đoạn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục tăng giá. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư tin rằng xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong thời gian dài; đồng thời, nền kinh tế quốc gia cũng khởi sắc và tỉ lệ thất nghiệp giảm. Nhưng thị trường bò tót không kéo dài mãi mãi, và đôi khi dẫn đến tình trạng nguy hiểm nếu giá cổ phiếu bị thổi phồng lên quá mức.

[3] Tựa đề tiếng Trung là《受活》, và được dịch sang tiếng Anh với tựa là “Lenin’s Kisses”.

[4] Tựa đề tiếng Trung là《為人民服務》, và được dịch sang tiếng Anh với tựa là “Serve the People!”. Ở Việt Nam, truyện do Vũ Công Hoa dịch với tựa là “Người tình phu nhân sư trưởng”.

Leave a comment